Ngày 27.10.2019 – Chúa Nhật Tuần
30 TN C
BÀI ĐỌC I: Hc 35,
12-14.16-18
Chúa là quan án,
Người không xem sao vinh quang loài người. Chúa không vì nể kẻ nghịch với người
nghèo khó, và Người nhậm lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người không khinh rẻ kẻ mồ
côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời than van.
Nỗi hồn đắng cay, của
lễ được nhận, và tiếng kêu oan kíp thấu tầng mây. Lời cầu nguyện của kẻ khiêm
nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi lời nguyện
nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Đấng Tối Cao đoái nhìn. Chúa sẽ không
trì hoãn, Người sẽ xét đoán những người công chính và sẽ ra lời phán quyết.
BÀI ĐỌC II: 2 Tm 4, 6-8.
16-18
Con thân mến, phần
cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận
chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều
thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Đấng phán xét chí
công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy; nhưng không phải cho cha mà thôi,
mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện. Lần đầu tiên cha đứng ra
biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha:
xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ
cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân ngoại được nghe: vậy cha
đã thoát khỏi miệng sư tử. Chúa đã giải thoát cha khỏi mọi sự dữ và cứu lấy cha
để đưa vào nước Người trên trời. Nguyện chúc Người được vinh quang muôn đời!
Amen.
PHÚC ÂM: Lc 18, 9-14
Khi ấy, Chúa Giêsu nói
dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ
kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người
thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, tôi cảm tạ
Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là
như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả
các hoa lợi của tôi’. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời,
đấm ngực và nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’. Ta bảo
các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những
ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
Suy niệm
Giáo huấn của nhà
khôn ngoan Ben Sira, người kế thừa giáo lý ngôn sứ xưa về sự công chính và lòng
ưu ái của Thiên Chúa đối với những người nghèo khổ và bị áp bức, dẫn chúng ta tới
những tột đỉnh của linh đạo Kinh Thánh đích thực. Sách Đệ Nhị Luật cảnh báo rằng
Thiên Chúa là Ðấng “không thiên vị ai và không nhận quà hối lộ” (Đnl 10:17),
ngược hẳn với con người thường thiên vị dựa theo những thành kiến xã hội, chủng
tộc, hay ý thức hệ, khiến cuộc sống của những người thấp hèn phải chịu thiệt
thòi. Giáo lý này được áp dụng rộng rãi bởi Đức Giêsu trong lời rao giảng và hoạt
động giải phóng của Người, cũng như bởi các tông đồ và các tác giả Tin Mừng, được
trình bày trong các bài viết của các ngài và được truyền bá trên khắp thế giới.
Trong lòng thương xót vô biên của Người, Thiên Chúa luôn luôn đến với những ai
ý thức được tội lỗi và những yếu đuối của mình và tìm kiếm sự trợ giúp và
tha thứ của Người. Trái lại, đối với những kẻ kiêu căng, Người để mặc họ lang
thang và hoang mang với những tư tưởng kiêu hãnh trong lòng họ.
Dụ ngôn của Đức Giêsu
về người thu thuế và người Pharisêu chứng tỏ cách Người nhìn con người, cũng là
cách Thiên Chúa nhìn con người. Người không xét đoán người ta theo vẻ bề ngoài,
cũng không dựa theo thành kiến, nhưng dựa theo những gì Người thấy rõ trong tâm
khảm con người, nhận ra động cơ thực sự thúc đẩy các hành động và lời cầu nguyện
của họ.
Trên thực tế, trong
các sách Tin Mừng, chúng ta lần đầu tiên gặp thấy ý tưởng Thiên Chúa không
thiên vị ai, được nói ra từ chính miệng các địch thủ của Đức Giêsu; mặc dù họ
âm mưu hãm hại Người, họ vẫn phải công khai nhìn nhận sự chính trực vẹn toàn của
Người, khi họ nói, “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy nói và dạy một cách thẳng thắn,
không thiên vị ai, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa” (Lc
20:21; x. Mt 22:16). Đây là đường lối của Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã thực hành
và đã dạy. Người đã chứng tỏ điều này không những trong cách Người tiếp xúc với
những người thấp hèn và những người bị loại trừ và bị gạt ra bên lề xã hội vì bị
coi là những kẻ tội lỗi, như những gái điếm và những người thu thuế, hay những
người bị coi là ô uế và bị chúc dữ, như những người phong cùi; nhưng Người
cũng chứng tỏ điều đó trong tất cả hoạt động loan báo Tin Mừng của Người, phá vỡ
mọi bức tường ngăn cách của sự kỳ thị, dù là kỳ thị tôn giáo, xã hội, hay chủng
tộc. Thực vậy, Đức Giêsu đã từng chấp nhận lời cầu xin khiêm tốn của viên đại đội
trưởng Rôma và đến chữa lành cho đầy tớ ông. Hơn nữa, trong những chuyến đi
liên tục như một Thầy dạy lữ hành, Người đã đến thăm vùng Samaria và thường
khen ngợi người dân vùng này. Khi đi ngang qua vùng đất dân ngoại, Người đi đến
xứ Tyrô và chữa lành cho con gái người phụ nữ Syrô-Phênixê. Băng qua bên kia Biển
Hồ Tibêriát, Đức Giêsu đi về phía Thập Tỉnh và chữa lành những người bệnh tật yếu
đau. Những chuyến băng qua Biển Galilê liên tục của Người chứng minh Đức Giêsu
là Chúa trên thực tại mà biển là biểu tượng; Người cũng có quyền năng dẹp yên
bão táp và đi trên mặt biển. Biển cả đáng sợ, một biểu tượng tiêu cực, không
còn là một sức mạnh của sự phân cách nữa, nhưng đã trở thành một cây cầu, và
qua sứ vụ của Đức Giêsu, trở thành con đường dẫn tới sự hòa giải giữa hai bên,
dân Do Thái và Dân Ngoại.
Trong hội đường tại
Nadarét, nơi Đức Giêsu giới thiệu chương trình sứ vụ của Người, Người đã thách
thức cử tọa về địa vị của Ítraen so với các dân tộc khác như là dân tuyển
chọn của Thiên Chúa. Trên thực tế, những người hiện diện đã phản ứng tiêu cục,
lên án lời giảng của Người về sự ứng nghiệm các lời ngôn sứ. Các ví dụ về ngôn
sứ Êlia, người được sai đến với bà góa xứ Phênixê, và ngôn sứ Êlisê, người từng
chữa lành cho viên tướng Naa- man người Syria, đủ để chứng tỏ rằng Thiên Chúa
không thiên vị một ai hay một dân tộc nào; mọi tạo vật đều quí giá trong con mắt
của Thiên Chúa. Như lời thánh vịnh gia nói, Đức Chúa tốt lành với mọi người,
lòng từ ái của Người bao trùm muôn vật. Người đến gần tất cả những ai thành tâm
kêu cầu người. Thánh vịnh gia không kể ra cụ thể một chủng tộc hay quốc gia
nào, cũng không nói đến địa vị hay màu da. Nếu tình thương của Thiên Chúa thấm
nhập mọi loại, đó là vị muôn loài đều là tạo vật từ bàn tay Người làm ra, và vì
thế tình thương của Người là tình thương phổ quát, đầy sự chăm lo cho mọi người,
không có một sự phân biệt nào.
Nói thế không có
nghĩa là phủ nhận rằng Ítraen đã được Thiên Chúa tuyển chọn để đi vào một giao
ước đặc biệt với Người. Nhưng sự tuyển chọn này là để phục vụ một sứ mạng đặc
biệt vì lợi ích của mọi dân tộc, phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống
trong lịch sử như là Đấng giải phóng những người bị áp bức và cứu chuộc con người
trong tất cả thực tại của nó: Chính các ngươi là nhân chứng của Ta -
sấm ngôn của ÐỨC CHÚA - là bề tôi Ta đã tuyển chọn, để các ngươi nhận biết
và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta: trước Ta, chẳng có thần nào khác được
hình thành, và sau Ta cũng vậy. (Is 43:10)
Thực vậy, Thiên Chúa
không chỉ chọn người tôi tớ của Người, nhưng còn hình thành và dạy dỗ người ấy: Ta
là Ðức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta.
Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh
sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi
tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.
(Is 42:6-7)
Nhìn kỹ hơn lời dạy của
Đức Giêsu trong dụ ngôn của Người về người thu thuế và người Pharisêu trong Đền
Thờ, chúng ta thấy rằng sự khác biệt giữa hai người này chính là ở những
gì có trong lòng họ, được phơi bày trước sự hiện diện của Thiên Chúa trong cầu
nguyện.
Suy cho cùng, chính
là với ý hướng cầu nguyện mà người thu thuế và người Pharisêu đi vào Đền Thờ,
nhờ đó họ được chia sẻ một thời gian ngắn trong cùng một nơi thánh. Nhưng cái
cách riêng mà mỗi người trong họ bắt đầu cầu nguyện chính là yếu tố quyết định
số phận và tình trạng thiêng liêng cuối cùng của mỗi người. Người thu thuế, vì
có lòng khiêm nhường và thành thật nhìn nhận mình bất xứng và tội lỗi để nài
xin ơn tha thứ của Thiên Chúa, nên người này trở về nhà thành một người tốt
hơn, được biến đổi và được giao hòa bên trong. Đáp lại lời cầu nguyện chân thực
của người này, ơn Chúa đã được ban cho. Một lần nữa, chúng ta học được sự thật
rằng “ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”
(Lc 18:14b).
Trái lại, người
Pharisêu là một tù nhân bị giam hãm trong cái tháp ngà của tính kiêu ngạo
thiêng liêng của mình. Quá ý thức về những việc lành của mình và về giai cấp
tôn giáo-xã hội của mình, ông nghĩ mình cao hơn và tốt hơn mọi người khác, dựng
lên những rào cản giữa ông và họ, nhục mạ và miệt thị họ. Có lẽ ông là người tốt
cho tới lúc ấy, nhưng thái độ của ông cho thấy sự kiêu căng trong
lòng ông, làm hại đến nhân đức mà ông tưởng là mình có trong tâm hồn.
Hơn nữa, chúng ta
không đến với Thiên Chúa trong Đền Thờ để ăn mừng và nhìn ngắm bản thân mình
trong sự ngưỡng mộ, đồng thời đứng ở trên để nhìn những người khác phía dưới.
Chúng ta đứng trước mặt Thiên Chúa trong một cuộc gặp gỡ của tình yêu, và để gặp
gỡ những người khác trong Thiên Chúa. Theo nghĩa này, cầu nguyền là chiêm ngắm
Chúa, vui mừng vì những điều kỳ diệu mà ơn sủng của Người hoạt động hằng ngày
trong lòng sự yếu đuối của loài người, và vui mừng vì lòng thương xót không mỏi
mệt của Người giúp nâng dậy những người đã ngã và những người muốn đứng dậy trở
lại.
Khi nghe dụ ngôn này,
chúng ta tức khắc có thể bị cám dỗ tự đồng hóa mình với người thu thuế, đơn giản
là vì người này có chỗ đứng tích cực trong câu chuyện. Đó là một dấu hiệu của ước
muốn tế nhị của con người là làm cho mình được an tâm. Nhưng dụ ngôn mời gọi
chúng ta nhìn vào bên trong để loại bỏ mọi sự ý thức về tính tự mãn của mình và
sự khinh dể người khác, để tìm được một trái tim đơn sơ, khiêm nhường và đầy
tình huynh đệ, biết cách nhìn vào mình và người khác với một cái nhìn từ tâm và
hi vọng. Về phương diện này, thường cần phải đặt câu hỏi về cách chúng ta cầu nguyện.
Cầu nguyện bộc lộ cho chúng ta điều gì về chiều sâu và chất lượng của trái tim
chúng ta? Cầu nguyện tỏ cho chúng ta biết điều gì về bản thân mình, về cách
chúng ta giao tiếp với người khác và về cách chúng ta nhận định về người khác một
cách tự nhiên trong tương quan với chúng ta? Nó tỏ lộ cho chúng ta thấy điều gì
về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và ơn cứu độ của Người?
Đức Giáo Hoàng
Phanxicô thường xuyên nhắc nhở chúng ta về vị trí trung tâm của cầu nguyện
trong tương quan với Hội Thánh và sứ mạng của Hội Thánh. Cầu nguyện là linh hồn
của việc truyền giáo, bởi vì hiệu quả của việc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô,
các mức độ tương quan đúng đắn của chúng ta với chính mình và với thế giới
trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, là gốc rễ của trải nghiệm về sự thật cứu rỗi
chúng ta. Nhờ cầu nguyện, người môn đệ truyền giáo luôn luôn coi mình nằm trong
số những người cần được ơn cứu rỗi mà mình được kêu gọi để loan báo và thông
truyền trong các bí tích. Điều chắc chắn là sứ mạng loan báo Tin Mừng được uỷ
thác cho chúng ta với danh nghĩa là Hội Thánh không thể được thực hiện trong sự
thật nếu chúng ta chọn một thái độ thống trị trong quan hệ với người khác, tự
tin và tự mãn về ưu thế đạo đức và tôn giáo của chúng ta. Truyền giáo phải là một
đề nghị khiêm nhường về tình bạn với Đức Kitô, với một sự kính trọng sâu
xa đối với tự do tôn giáo của những người khác thuộc thời đại chúng ta, kính trọng
văn hóa và lịch sử của họ. Khiêm nhường đích thực không bao giờ thiếu sự thật.
Đúng hơn, nó là một sự hiện diện hiệu quả của sự thật, một sự thật phán xét,
tha thứ và cứu rỗi những người rao giảng và những người nghe rao giảng sự thật ấy.
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét