Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

 BỔ NHIỆM GIÁM MỤC GIÁO PHẬN THÁI BÌNH

Hôm nay, ngày 29 tháng 10 năm 2022, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:
Đức Thánh cha Phanxicô đã chấp thuận cho Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ từ nhiệm sứ vụ Giám mục Chính toà giáo phận Thái Bình; đồng thời, bổ nhiệm Cha Đaminh Đặng Văn Cầu, linh mục thuộc giáo phận Thái Bình, làm Giám mục chính tòa giáo phận Thái Bình.
Cha Đaminh Đặng Văn Cầu đang đảm trách chức vụ Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Tâm, giáo phận Thái Bình.
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
* * * * *
Tiểu sử Linh mục Đaminh Đặng Văn Cầu
- Sinh ngày 17/7/1962 tại giáo xứ Lương Đống, xã Đông Giang (nay là xã Hà Giang), huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, thuộc giáo phận Thái Bình
- 1971 – 1982: Tu học tại Tiểu Chủng viện Mỹ Đức
- 1982 – 1989: Giúp việc tại Văn phòng Tòa Giám mục Thái Bình
- 1989 – 1995: Học tại Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội
- Ngày 9/3/1996: Được truyền chức linh mục tại giáo phận Thái Bình
- 1996 – 2000: Chánh Văn phòng Tòa Giám mục Thái Bình
- 2000 – 2005: Du học tại Institut Catholique de Paris, nước Pháp; tốt nghiệp học vị Cao học Mục vụ Huấn giáo
- 2006 – 2009: Chánh Văn phòng Tòa Giám mục Thái Bình
- 2009 – 2014: Chánh xứ giáo xứ Văn Lăng, giáo phận Thái Bình
- 2014 – 2017: Đại diện Giám mục miền Hưng Yên kiêm Hạt trưởng giáo hạt Đông Hưng Yên, Chánh xứ giáo xứ Cao Xá, thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, giáo phận Thái Bình
- Từ năm 2017 đến nay: Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Tâm, giáo phận Thái Bình

https://hdgmvietnam.com/.../bo-nhiem-giam-muc-giao-phan...

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2022

Chúa nhật 30 TN-C. Lc 18, 9-14

Sau khi được đắc cử Giáo hoàng, việc đầu tiên Đức thánh Cha Phanxicô làm trước khi ban phép lành cho dân chúng đang hoan hô chào mừng một con người “Đấng nhân danh Chúa” hiện diện giữa dân Người, ngài đã xin dân chúng cầu nguyện để Chúa chúc phúc lành cho Ngài. Vào mỗi ngày thứ tư lễ tro, từ Đức giáo hoàng, Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân – nam phụ lão ẫu, đều cúi mình xuống để xức tro trên đầu, nhắc nhở thân phận bất toàn khiếm khuyết và đầy lỗi lầm của mỗi người.
Suy cho cùng, Đức giáo hoàng, các Đức giám mục, các linh mục cũng là những con người xác đất vật hèn, thiếu xót lỗi lầm, nên cũng cần được hưởng lòng khoan dung của Chúa và sự cảm thông của anh em. Hành vi cúi mình xin cầu nguyện của Đức Phanxicô, xưng thú tội lỗi của các linh mục ngay trước nhiều anh chị em giáo dân, không chỉ là một tấm gương sáng, nhưng còn nói lên sự khiêm nhường sám hối ăn năn cần có của các ngài. Chính sự khiêm nhường ấy, không chỉ được người đời ưa thích, và trên hết đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng yêu thích những kẻ biết sống khiêm nhường, khinh chê những người khoe khoang khoác lác kiêu căng tự mãn tự phụ, những kẻ giả hình, sống thiếu tình anh em
““Kiêu căng tự phụ kể công
Giả hình, khoác lác, sẽ không được gì”.
Suy cho cùng những việc làm của người biệt phái hôm nay thật sự rất tốt, nhưng nó đã trở nên xấu khi anh ta tưởng rằng làm như vậy là nghiễm nhiên Chúa phải trả công, nghiễm nhiên anh sẽ nên thánh thiện, mà chẳng cần Chúa ban ơn. Không phải thế đâu, kiêu căng tự mãn đã làm anh khép lòng lại với Thiên Chúa và coi thường tha nhân. Đó cũng là bài học cho chúng ta. Trước những tiến bộ văn minh kỹ thuật, một chút thành quả đạt được, một chút tài sản đang có, nhiều người ảo tưởng mình làm được tất cả, nên gạt bỏ Thiên Chúa ra bên ngoài. Hậu quả là con người đang tự hủy diệt chính mình.
Nhiều khi chúng ta cũng yên tâm hãnh diện và nghĩ rằng Chúa phải ban ơn cho mình, vì ta đi lễ Chúa nhật, chẳng bỏ một thánh lễ ngày thường nào, không gian tham trộm cắp, làm thiệt hại của người nào, vẫn dâng cúng đóng góp cho giáo xứ – đoàn này hội nọ, làm ông này bà kia trong giáo xứ…. Không phải vậy đâu. Nếu mỗi ngày ta không biết khiêm nhường, không biết sửa mình, không biết sống tốt tương quan với Chúa và hài hòa với tha nhân, thì kết cục của ta cũng sẽ như người biệt phái trong bài Tin mừng hôm nay. Amen.

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

 †  LỜI CHÚA – CHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C

Bài Ðọc I: Hc 35, 15b-17. 20-22a

Lời Chúa trong sách Huấn Ca.

Đức Chúa là Đấng xét xử,

Người chẳng thiên vị ai.

Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn,

nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.

Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi,

hay tiếng than van của người goá bụa.

Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người

sẽ được Người chấp nhận,

lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây.

Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm.

Lời nguyện chưa tới đích, họ chưa an lòng.

Họ sẽ không rời đi

bao lâu Đấng Tối Cao chưa đoái nhìn,

chưa xét xử cho người chính trực và thi hành công lý.

Đáp ca Tv 33,2-3.16-18.19 và 23 (Đ. c.7a)

Xướng 1: Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa,

câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi.3Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa

xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.

Đáp. Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời.


Xướng 2: Chúa đối đầu với quân gian ác,

xoá nhoà tên tuổi chúng trên đời,16nhưng để mắt nhìn người chính trực

và lắng tai nghe tiếng họ kêu.18Họ kêu xin, và Chúa đã nhận lời,

giải thoát khỏi mọi cơn nguy khốn.

Xướng 3: Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ,

cứu những tâm thần thất vọng ê chề.23Chúa cứu mạng các người tôi tớ,

ai ẩn thân bên Chúa không bị phạt bao giờ.

Bài Ðọc II: 2 Tm 4, 6-8. 16-18

Lời Chúa trong thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.

 Anh thân mến, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. 7 Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. 8 Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính ; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.

 Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ. 17 Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. 18 Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men.

Tung hô Tin Mừng 2 Cr 5,19

Al-lê-lui-a. Al-lê-lui-a. Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải. Al-lê-lui-a.

Bài Tin Mừng: Lc 18, 9-14

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


 Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác : 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14 Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Suy niệm:

(trích trong 5 phút Lời Chúa tháng 10/2022)


Lên đền thờ để cầu nguyện, đó quả là một việc tốt, không có gì phải phàn nàn. Thế nhưng vấn đề là ở cách cầu nguyện của họ. Người thứ nhất, thuộc nhóm Pha-ri-sêu: Các việc ông ta làm thật là tuyệt. Ông làm quá cả những điều luật buộc. Nội dung lời cầu có vẻ giống như một bản báo cáo thành tích; nhưng thiết tưởng, như thế chẳng có gì là sai. Ông chỉ thiếu một tấm lòng. Thiếu tấm lòng với Thiên Chúa: xem ra Ngài mắc nợ ông vì những điều ông “làm cho” Chúa. Và cũng thiếu cả tấm lòng với đồng loại: ông tự xếp hạng mình trổi vượt chứ “không như tên thu thuế kia”. Còn người thứ hai, một người làm nghề thu thuế: ông không có gì để báo cáo ngoại trừ tội lỗi, nghĩa là ông là người mắc nợ: mắc nợ tha nhân – dĩ nhiên, vì ông làm nghề thu thuế cơ mà – và mắc nợ cả Thiên Chúa: thì chính ông cầu nguyện đó: “Xin thương xót con vì con là kẻ có tội”. Chúa Giê-su không hề định nghĩa cầu nguyện là gì, nhưng qua cách đánh giá của Chúa chúng ta hiểu rằng “như thế mới là cầu nguyện”.

Mời Bạn: Bạn có cảm thấy mình có nhu cầu phải cầu nguyện, nghĩa là cảm thấy mình cần xin Chúa thương xót mình, cần nối lại mối dây thân tình với Chúa?

Chia sẻ: Mời bạn chia sẻ một kinh nghiệm cho thấy việc cầu nguyện giúp bạn gặp gỡ Chúa và tha nhân.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy dành ít phút trước Thánh Thể, để cầu nguyện với những tâm tình như người thu thuế kia.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con là kẻ tội lỗi.”