BẢN LƯỢC SỬ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN GIÁO HỌ KẺ E - GIÁO XỨ KẺ ĐỌNG - GIÁO PHẬN VINH
Lời ngỏ
Kính thưa quý vị,
Nhờ hồng ân Thiên Chúa, nhà thờ
giáo họ Kẻ E đã hoàn thành đúng dịp kỉ niệm 100 năm thành lập giáo họ
(1918-2018). 100 năm so với chiều dài lịch sử thì còn quá ít mà nhiều khi so
với vĩnh cửu thì không đáng là gì. Tuy nhiên, đối với một đời người và một giáo
họ, thì 100 năm có thể nói là một mốc son đáng để ghi nhớ.
Nhìn lại quãng đường 100 năm vừa qua, từ khi
hạt giống Đức tin được gieo vào lòng đất mẹ Kẻ E, cách đây khoảng 196 năm
(1822-2018) rồi sau đó phát triển trong giông bão nhưng bất chấp những khó
khăn, những nghịch cảnh. Và trong khó khăn đó đã nung nấu và đào tạo nên những
người tín hữu Kẻ E can trường trong Đức tin, đóng góp rất nhiều cho đất nước
cũng như cho Giáo Hội. Để mừng sự kiện này một cách ý nghĩa, nên chăng con cái
giáo họ cần ôn lại quá trình hình thành và phát triển của cộng đoàn mình. Bởi
vì, “Lịch sử luôn làm tấm gương cho hậu
thế” và “Lịch sử bao giờ cũng chứa
đựng những bài học phong phú”. Đọc lại lịch sử để chúng ta nhận ra bàn tay
Yêu Thương và Quan Phòng kì diệu của Thiên Chúa che chở trong suốt chiều dài lịch sử; đồng thời ôn cố tri tân, tri ân
các bậc tiền nhân đã hy sinh vất vả để gầy dựng nên giáo họ thân yêu này. Nhờ
đó, với lòng con thảo và tinh thần biết ơn, con cái Kẻ E sẽ viết tiếp trang sử
vẻ vang của cha ông trong cuộc lữ lành về quê hương Vĩnh Cửu. Với ý muốn đó,
cha Michael Trần Định- linh mục quản xứ đương nhiệm đã thành lập tổ biên
tập để lược lại lịch sử giáo họ Kẻ E.
Những gì được ghi nhận dưới đây
căn cứ vào tài liệu lưu trữ trong văn khố Tòa giám mục Giáo phận Vinh, trong hồ
sơ Giáo xứ Kẻ Đọng, các văn bản hành chính của giáo họ Kẻ E, nhật kí làm việc
của các ban mục vụ và chứng từ của một số người đáng tin cậy trong và ngoài
giáo họ. Kính mong quý vị dành một ít thời gian theo dõi và đóng góp những
thông tin nếu chúng con còn thiếu sót để tập lược sử này được đầy đủ và hoàn
thiện hơn.
Ban biên tập.
LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH VÀ
PHÁT TRIỂN
GIÁO HỌ KẺ E- GIÁO XỨ KẺ ĐỌNG
* Đôi nét về địa lý, con người Kẻ
E
Giáo họ Kẻ E trải trên địa bàn xã
Sơn An- huyện Hương Sơn- tỉnh Hà Tĩnh với tổng diện tích là: 3000m2. Sở dĩ giáo
họ được đặt tên là Kẻ E bởi vì xã Sơn An có một nguồn nước từ trên
E của xóm Thượng (Sơn Ninh) chảy cùng xã và chảy qua vùng đất của nhà
thờ nên cha xứ thời đó cho đặt tên là Giáo họ Kẻ E.
Đến với Kẻ E là đến với mảnh đất đầy nắng,
gió, mưa lũ; đến với những con người kiên trung, hòa hiếu, và thân thiện. Giáo
dân làm nghề sinh sống chủ yếu là nông nghiệp, nghèo nàn. Bởi vậy, vẻ đẹp của
con người nơi đây không phải thể hiện ở những ngôi nhà cao lớn khang trang hay
sự phú quý về của cải vật chất. Vẻ đẹp ở đây được tỏa rạng đơn sơ từ những nụ
cười móm mém của các ông lão bà lão khi được tự hào kể cho con cháu nghe về
lịch sử cha ông, đến những gương mặt ngây thơ trong sáng của các em nhỏ trong
những Thánh lễ nghiêm trang sốt sắng; là những câu kinh sớm tối được cất lên
đều đặn trong các gia đình nhỏ.Vẻ đẹp ở đây còn đựơc thể hiện nơi những người
cha người mẹ hết lòng mẫu mực uốn nắn con mình sống xứng đáng là con cái Thiên
Chúa, nơi những bạn trẻ được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm đang hăng hái nhiệt
tình góp phần làm cho quê hương đất nước thêm tươi đẹp. Nơi đây đã đóng góp 10
linh mục cho vườn hoa ơn gọi Giáo hội, 11 tu sĩ nam nữ đang tu học và tìm hiểu
tại các nhà dòng và những người con quả cảm đã hi sinh máu mình để làm chứng
cho Đức tin kiên trung.
Mảnh đất Kẻ E nhỏ bé này hầu như năm nào cũng oằn mình hứng chịu
cảnh thiên tai khốc liệt. Chỉ cần một trận mưa lớn hay áp thấp là cả vùng chìm
trong biển nước. Bão lũ đi qua để lại những nỗi đau thương và những mảnh đời
điêu linh lầm than khốn khổ nhưng không làm “nghèo” đi tinh thần đạo đức, tinh
thần con cái Mẹ Vô Nhiễm và “chất người Kẻ E- Kẻ Chúa Thương” :
“Quê tôi gạt sỏi tìm cơm
Hết mưa thôi hạn lại cơn bão gần
PHẦN I. GIÁO HỌ KẺ E TỪ KHI ĐÓN
NHẬN TIN MỪNG CHO TỚI NAY (1822-2018)
CHƯƠNG I. GIAI ĐOẠN PHÔI THAI VÀ THÀNH LẬP
I.
Gieo
mầm Đức tin
Đầu thế kỉ XVIII, năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi, ông không
thích Đạo Công giáo của Châu Âu và đã có ý không cho người ngoại quốc vào giảng
đạo này ở trong nước. Từ năm 1822, trong Nam ngoài Bắc có rất nhiều cuộc nổi
dậy, nhà vua cho là dân đạo theo giúp các đạo quân nổi dậy, sự cấm đạo ngày
càng khắc nghiệt hơn. Ở nhiều địa phương cũng rối loạn vì sự bắt và giết các
giáo dân và giáo sĩ. Trong bối cảnh đó, một nhóm nhỏ giáo dân từ Vạn Tác (thuộc
Đông Tràng ngày nay), Thọ Kỳ (thuộc Thọ Ninh ngày nay) và miền xuôi Nghi Xuân
Hà Tĩnh nhằm tránh việc bắt bớ đã phải
chạy loạn lên vùng núi âm u Tuần Lệ mà nay là vùng xã Sơn Tiến, Sơn An. Như
vậy, những hạt giống Đức Tin đầu tiên đã được gieo vãi vào lòng đất mẹ Kẻ Đọng,
Kẻ E từ năm 1822.
Từ cuối thế kỉ XVIII, phong trào
Văn Thân (1874) hình thành và gây nên
bao đau thương cho người Công giáo Việt Nam, cách riêng là người Công giáo Nghệ
Tĩnh. Phong trào Văn Thân đưa ra
khẩu hiệu “Bình Tây, Sát Tả” nhưng họ chỉ giết người Công
giáo, đẩy người Công giáo vào chỗ phải tự vệ. Lúc ấy, Văn Thân tìm mọi
cách để tiêu diệt các xóm đạo. Nhằm tránh mũi giáo “sát Tả”, những giáo dân từ
miền xuôi Hà Tĩnh, từ xứ Nghệ, xứ Thanh đã sơ tán lên Tuần Lệ, lập nên cộng
đoàn non trẻ.
Từ hạt mầm Đức tin bé nhỏ năm
1822, lớn dần lên từ những năm 1874 và đã trổ sinh lớn mạnh không ngừng mặc dù
được gieo vãi trong vội vàng.
II.
Kẻ
E chính thức được thành lập
Tới cuối năm 1917, bề trên Giáo
phận quyết định thành lập Giáo xứ Kẻ Đọng. Giáo xứ Kẻ Đọng được tách ra từ Giáo
xứ Đông Tràng vào thời Đức Cha Anrê Giuse Bắc làm Giám Mục Giáo Phận và Ngài đã
bổ nhiệm cha Phêrô Vịnh là Cha Phó Giáo xứ Đông Tràng về quản xứ Giáo xứ Kẻ
Đọng. Đầu năm 1918, Giáo họ Kẻ E được thành lập, nhận Mẹ Vô Nhiễm làm Quan
Thầy. Lúc mới thành lập, giáo họ có khoảng 30 hộ giáo dân với 150 nhân khẩu.
CHƯƠNG II.
GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG, HÌNH
THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
I.
Từ
1918-1951: Thời kì non trẻ
1. Bước đầu sống đạo
Như đã cập nhật ở trên, Giáo họ
Kẻ E được thành lập năm 1918 vào thời cha Phêrô Trần Vịnh làm quản xứ. Ngài lấy
danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội làm quan thầy của giáo họ. Ngay từ khi mới
thành lập, giáo họ đã có linh mục quê hương tiên khởi là cha Phêrô Phạm Lễ.
Sự sống đạo hồi ấy rất khó khăn,
dưới sự bắt đạo ráo riết của nhà vua Khải Định (1916-1925).
Nhà nguyện của giáo họ lúc đó gồm
3 gian nhà gỗ lợp tranh, nằm ở vườn cố Nhu ( hiện nay là vườn bà Đàn) với diện
tích khoảng 500m2.
Về đời sống và sinh hoạt tôn giáo: Giáo dân
ở thành 2 vùng trên và dưới nay gọi là xóm Hà và xóm Cầu. Giáo dân chủ yếu làm
ruộng, một số không có ruộng phải đi cày thuê cho các gia đình nhiều ruộng.
Dưới sự dạy bảo của cha quản xứ,
ban hành giáo đầu tiên là ông câu Uyên, có 4 thành viên làm giáo biện dạy lớp
Nhất, Hai, Ba, Bốn.
Lúc mới được thành lập, đường sá
đi lại khó khăn lầy lội; cộng thêm sự ngăn cấm về việc giữ đạo của người Công
giáo, nên việc học kinh bổn rất khó khăn. Các em phải học kinh bổn ban đêm tại
các nhà tư vào mùa Phục Sinh.
Đến mùa nguyện ngắm, trời nắng
ráo thì giáo dân tập trung về nhà nguyện, còn trời mưa gió đường sá lầy lội thì
phải tổ chức ngắm tại tư gia của hai vùng.
Gia già Phêrô Vịnh quản xứ được
một năm thì qua đời, được an táng tại
nhà thờ Giáo xứ Kẻ Đọng. Năm 1919, bề trên Giáo phận chuyển cha Gioan Baotixita
Lệ về quản xứ.
Qua một thời gian sinh hoạt, giáo
họ cảm thấy nhà nguyện ở vị trí hiện tại không có triển vọng phát triển cho
tương lai vì vừa chật hẹp, đường đi lại
khó khăn, hơn nữa xung quanh không có người Công giáo. Năm 1930, nhân cơ hội có
người bán phần đất mà hiện nay giáo họ đang sử dụng, vừa rộng rãi, đường đi lại
thuận tiện và xung quanh có nhiều giáo dân ở, cha quản xứ lúc bấy giờ là cha
Phêrô Báu đã cho họp giáo dân để bàn về việc mua phần đất đó. Giáo dân Kẻ E đã
thống nhất theo ý kiến của cha Báu và quyết định mua phần đất mới này.
2.
Xây
nhà thờ dưới thời cha Gioan Bang và nhà phòng thời cha Phaolo Kim
Năm 1937, cha Gioan Bang về quản
xứ Kẻ Đọng. Khi ấy, nhà nguyện của giáo họ đã xuống cấp không thể sinh hoạt
được nữa nên Ngài quyết định làm lại nhà thờ Kẻ E.
Hồi ấy, đời sống của giáo dân
trong giáo họ rất khó khăn, thời tiết khắc nghiệt chưa nắng đã hạn chưa mưa đã
lụt, chủ yếu làm nghề nông nghiệp, một số hộ phải đi làm thuê và bắt lươn ếch
nhưng tinh thần quảng đại rất cao cả. Khi nghe cha xứ cho họp giáo dân để bàn
về việc xây nhà thờ, 100% giáo dân đã nhất trí ủng hộ cha.
Ngôi nhà thờ mới được xây trên
nền mảnh đất mua vào thời cha Báu. Phần tháp được xây trước tiên và xây theo
kiến trúc tháp của nhà thờ Giáo xứ Kẻ Đọng. Nhưng đáng tiếc thay, vừa xây xong
phần tháp thì cơn bão mạnh đi qua cuốn đi tất cả, phần tháp bị sụp đổ hoàn
toàn. Mất mát lớn và khó khăn chồng chất khó khăn nhưng nhờ sự động viên của
cha xứ đương nhiệm, một lần nữa bà con Kẻ E lại quyết tâm làm lại nhà thờ.
Cha Gioan Bang quyết định làm nhà
thờ chắc chắn vững chãi hơn bằng các cột gỗ lớn. Nhà thờ này sẽ có 6 cột, mỗi
cột cao 16 thước (tức là 6m), đường 0,3m, không làm hạ và làm trám dọc dài có
kẻ. Thời kì này, việc mua gỗ rất khó khăn vì nhà nước cấm nhặt, hơn nữa rừng
Hương Sơn không có gỗ dài, phải sang Hương Khê mua mới có; lại là một khó khăn
trong công việc vận chuyển. May thay, nhờ Chúa thương và Đức Mẹ phù trì, khi đó
có ông Cháu Cai là một người con của Giáo họ làm ở hạt kiểm lâm; nhờ sự giúp đỡ
đặc biệt của ông nên việc vận chuyển gỗ từ rừng Hương Khê về giáo họ có người
bảo lảnh đó là một ân sũng Chúa mẹ sắp đặt cho giáo họ.
Bắt tay vào làm, cha Bang kêu gọi
bà con giáo dân đóng góp một phần về điều kiện vật chất cũng như tinh thần để
ngôi thánh đường có thể triển khai xây dựng theo như kế hoạch. Với sự quyết tâm
làm nhà Chúa cũng như tấm lòng quảng đại, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn
nhưng bà con ai nấy đều bắt tay vào người thì góp công người thì góp của để xây
dựng nhà Chúa đặc biệt có những người sau đây dâng cúng những cây gõ lớn để làm
cột đó là:
1-
Ba anh em ông Huỳnh, ông Thanh,ông Tú đâng cúng
một cây gỗ lim làm cột.
2-
Hai anh em ông Cán Lương,ông Bảy dâng cúng một
cây gỗ lim làm cột.
3-
Ông Xã Thiện một cây gỗ lim làm cột.
4-
Cố Nhường một cây gỗ lim làm cột.
5-
Cố Nhàn một cây gôc lim làm cột.
6-
Ông Trùm Hòe một cây gỗ lim làm cột .
Đó là 6 cây gỗ
lim được lấy từ rừng Hương khê,thế là ngôi nhà thờ Giáo họ Kẻ e lúc bấy giờ đã
được dựng lên từ những cây cột to lớn này.
Nhưng xây hình ảnh ngôi nhà thờ cũ xây 1940 và được chụp năm 2013
Khi
đã nhận nhiệm vụ dâng cúng cột, các ông đã tự mình lên rừng đặt mua theo kích
thước quy định và đưa về bàn giao cho giáo họ tại bến Chợ Bè (Sơn Thịnh), cách
nhà thờ Kẻ E 3km. Hồi đó, đường sá lầy lội, chật hẹp, quanh co, xe không có nên
phải dùng sức người để kéo gỗ về. Mỗi cột chuyển về đến nhà thờ phải mất hai,
ba ngày. Tuy khó khăn nhưng tinh thần bà con không bao giờ bị suy giảm.
Nhờ ơn Chúa thương và ơn Đức Mẹ che chở, cộng với sự quan tâm chỉ dẫn
của cha quản xứ và tinh thần đoàn kết đồng tâm đồng lòng của giáo dân Kẻ E mà
ngôi thánh đường xây dựng tiến triển rất nhanh. Đến năm 1940, giáo họ đã có một
ngôi nhà thờ mới với chiều dài 24m, rộng 9m, cột bằng gỗ lim và xung quanh xây
tường bao chắc chắn, khang trang và rộng so với hồi ấy.
Năm
1941, bề trên lại chuyển cha Bang đi, chuyển cha Phaolô Kim về quản xứ Kẻ Đọng.
Khi về quản xứ, Ngài thấy giáo họ đã có ngôi nhà thờ khang trang nhưng chưa có
nhà phòng, nên Ngài vận động giáo dân cộng tác với Ngài làm một ngôi nhà phòng
làm bằng gỗ dỗi để có nơi chốn cho cha xứ nghỉ ngơi trong những ngày làm phúc,
để tiếp khách; đồng thời là nơi hội họp cho giáo dân khi cần. Nhà phòng cũng
được nhanh chóng hoàn thành trong thời gian ngắn.
Năm 1943, cha Kim được chuyển đi,
cha Phêrô Phùng Mai Lĩnh về quản xứ. Rồi tới năm 1951, Bề trên lại chuyển cha
Lĩnh lên quản xứ Kẻ Mui, cha Phêrô Hồ Đức Hạnh về quản xứ Kẻ Đọng
II.
Ơn
gọi và đời sống đạo từ 1918 đến 1951
Giáo họ Kẻ E tuy nhỏ bé, kinh tế
khó khăn nhưng nhờ ơn Chúa và phúc ấm của tổ tiên, ơn gọi của giáo họ rất dồi
dào và đóng góp cho Giáo hội nhiều linh mục nhiệt thành.
Năm 1918,trong niềm vui Giáo họ
được
thành lập Giáo họ reo mừng vì đã
được chọn nơi mảnh đất non trẻ này vị Mục Tử đầu tiên của quê hương Kẻ E đó là
cha Phêrô Phạm Lễ sau 29 năm làm Linh mục Ngài đã được Chúa về vào năm 1947 tại
Giáo xứ Lập thạch.Đến năm 1923 Cha Phanxicô Phạm Quyền được Thụ Phong, Ngài từ
trần năm 1953 tại Xã Đoài.
Rồi năm 1928 gia đình Cụ Chánh lại có thêm
một người thứ hai được Chúa chọn làm Linh mục đó là Cha Phêrô Phạm Hữu Nghi là
em ruột cha Phạm Lễ, vì điều kiện quê nhà bị lúc bấy giờ rối ren Ngài đã di cư
vào Nam năm 1954 và đã qua đời 1972 tại Ban Mê Thuột.
Cha Phanxicô Phạm Dụng là người con của Giáo Họ Kẻ E thứ 4 tiếp tục được
ghi Danh vào hàng ngũ các Mục tử được Chúa tuyển chọn.
Ngài thụ phong vào năm 1938 Ngài đã Từ
trần vào năm 1948 do một người lính Viễn chinh của Pháp say rượu cầm súng bắn
loạn xạ vào nhà xứ giáo xứ Đan Sa Ngài bị trúng đạn và không qua khỏi ngài ra
đi khi vừa thụ phong Linh mục được 10 năm.
Rồi tiếp sau đến năm 1942, cha
Gioan Phạm Khắc Hưởng được chịu chức linh mục tại Xã Đoài Ngài nguyên là giáo
sư Đại Chủng viện, sau biến cố 1954 Trường ĐCV tạm thời đóng cửa Cha Hưởng được
điều về Giáo xứ Quỳ Chính và đã qua đời tại đây do một căn bệnh hiểm nghèo.
|
Linh mục Fx Phạm Dụng |
Các cha tuy đã trở thành người
của Giáo Hội, nhưng trái tim và tấm lòng vẫn luôn đau đáu hướng về quê hương.
Từ thời cha già Lễ, cha già Quyền, cha già Nghi đã giúp đỡ giáo họ rất nhiều về
vật chất cũng như nhớ đến giáo họ trong lời cầu nguyện và Thánh lễ các Ngài
dâng hằng ngày.
|
Gia Đình Ông cụ Phạm Khôi của Cha Dụng chụp tạij Kẻ e 1938 |
Năm 1947, Cha Dũng lúc đó đang
quản xứ Đan Sa (Quảng Bình) về thăm quê, khi đó vườn nhà thờ giáo họ đang chật,
Ngài đã mua cho họ một số lớn đá để xây bờ bao nhưng do ngăn cản và khó khăn
của thời cuộc nên giáo họ chưa hoàn thành được công trình đó, và số đá đó cũng
dần mất hết.
Những người con Kẻ E cũng rất
biết ơn và ghi nhớ công lao của cha Gioan Phạm Khắc Hưởng. Cha Hưởng chịu chức
được 3 năm, nghĩa là vào năm 1945, Tòa giám mục gọi Ngài về dạy Triết học tại
Đại chủng viện Xã Đoài. Ngài dạy trong chủng viện rất nhiều năm nên hè nào cũng
về hè tại giáo họ. Nhận thấy giáo họ còn thiến thốn về các đồ dùng trong việc
phụng vụ, cha đã sắm cho toàn bộ từ tượng ảnh, đèn chầu, cọc nến, áo lễ, trống
chiêng và đủ các loại đèn Hoa Kì. Một số đồ phụng tự đó đến ngày nay giáo họ
vẫn còn dùng. Mặt khác, Ngài cũng chăm lo cho đời sống đạo đức của bà con Kẻ E.
Lúc bấy giờ, đồ thờ tượng ảnh rất hiếm do Nhà nước cấm, cha về thăm từng gia
đình trong giáo họ và nhà nào không có tượng ảnh, Ngài đều mua tặng họ.
Và nhất
là, cha đã đến từng nhà để dạy bảo và khuyên răn việc giữ đạo cho nên. Các nhà
có bất hòa bất thuận và sống xa lìa Giáo hội, cha đến khuyên răn và giúp họ trở
về đúng “chuồng chiên” và “chủ chiên”. Cũng trong thời gian này, nhờ sự hướng
dẫn và linh hướng của cha, con em trong giáo họ đi tu và đi học rất đông đảo.
Trong đó phải kể đến thầy Đào (đã học trong Đại chủng viện), một số thầy học
tại Tiểu chủng viện, và các chú khác được gửi đi học và tìm hiểu ơn gọi nơi các
nhà dòng và các giáo xứ. Nhưng do chiến tranh, chia cắt và cấm đoán, các thầy
các chú đã phải về lại quê hương. Từ đó, ơn gọi linh mục trong giáo họ thưa
thớt dần và cho tới nay là rất hiếm.
III.
Biến
cố và thử thách
Năm 1946, Liên Đoàn Thanh Niên
Công giáo được Đức cha Lê Hữu Từ (giáo phận Phát Diệm) thành lập. Đã có rất
nhiều người con Kẻ E tham gia phong trào này. Tuy phong trào chủ trương hoàn
toàn đứng ngoài mọi hoạt động về chính trị và đảng phái vì mục đích và tôn chỉ
của Liên đoàn là Phụng sự Thiên Chúa và yêu mến Tổ quốc trong tinh thần ôn hòa,
nhưng sau khi hoạt động được 2 năm thì Liên đoàn đã bị nhà cầm quyền lúc bấy
giờ đàn áp một cách dã man. Một số người trong giáo họ đã thoát được cảnh tù
đày giết hại, nhưng cũng có người phải hi sinh dưới lưỡi giáo bất công, trong
đó phải kể đến ông Phạm Huy Châu. Ông là người thông minh, uyên bác, lúc đó là
thành viên của Ban Thư Kí Liên đoàn Thanh niên Công giáo. Theo lịch sử giáo phận
Vinh, ông đã bị kết án tù khổ sai chung thân, chết mất xác tại Cổng trời Hà
Giang. Có thể nói ông là một trong những người của giáo họ tử đạo anh hùng
trong thời hiện đại.
Cuộc cách mạng tháng 8/1945 rồi 9 năm chiến tranh chống Pháp kết thúc
với Hiệp định Genève, người Pháp rút khỏi Đông Dương, đất nước bị chia cắt 2
miền. Người Công giáo Việt Nam nói chung và giáo dân Kẻ E nói riêng rơi vào
tình cảnh bất ổn, một phần vì những khác biệt trong ý thức hệ, phần khác vì
những hệ lụy của lịch sử để lại. Trong bối cảnh bắt bớ tù đày, những người con
Kẻ E đã phải lên đường di cư vào Nam.
|
hình ảnh di cư vào nam 1954 |
Dòng lịch sử của giáo họ đã ghi lại nhiều cuộc
di cư đầy nước mắt của gia đình, con cái Kẻ E. Họ đã phải bỏ lại quê hương, gia
đình để lên đường đến với những vùng đất mới, những người ở lại cũng sống trong
nỗi sợ hãi hoang mang. Trong những người
ra đi, có người đã tạo dựng được tên tuổi, sự nghiệp ở rất nhiều lĩnh vực.
|
Hình ảnh cải cách ruộng đất đấu tố địa chủ |
Có nhiều người may mắn trở về đoàn tụ với cố hương nhưng cũng có nhiều
người phải vĩnh viễn nằm lại nơi đất
khách quê người. Số lượng người di cư của giáo họ Kẻ E khoảng 30%. Tuy so với
các vùng lân cận, số lượng này không nhiều nhưng đó cũng là một cuộc “chảy máu
nội lực”
.Sau
di cư là những căng thẳng do cải cách ruộng đất, Kẻ E lại tiếp tục gánh chịu
những mất mát đau thương không thể nào đong đếm được.
|
Thời Chiến tranh Mỹ |
Rồi những năm tháng chiến tranh chống
Mỹ, người giáo dân Kẻ E lại phải gồng
mình với những trận mưa bom bão đạn.
Khói lửa chiến tranh với sức tàn
phá kinh hoàng là gam màu chủ đạo trong bức tranh đầy máu và nước mắt nơi giáo
phận Vinh nói chung và giáo họ Kẻ E nói riêng.
CHƯƠNG III:
GIÁO HỌ KẺ E TỪ 1951 ĐẾN NAY
1-Từ 1951- 2002: Gắn bó cùng Cha già Hạnh
Năm 1951, Cha Phêrô Hồ Đức Hạnh
được Bề trên chuyển về quản xứ Kẻ Đọng.
|
Linh mục Phêrô Hồ Đức Hạnh 1908-2002 |
Thời bấy giờ, xã hội tìm mọi cách ngăn cấm sự
sinh hoạt của Giáo hội, đặc biệt là các cha, các thầy, các tu sĩ, những người
làm việc trong Giáo hội và những người thân cận của các cha. Chúng vừa rình mò
theo dõi từng cử chỉ, lời ăn tiếng nói để quy chụp bắt tội các cha, mặt khác
xúi giục những người dại dột vu khống và đổ lỗi cho các cha để lấy cớ bắt giam
các Ngài.
Nhìn chung ở thời này, giáo dân
Kẻ E đang hàn gắn những đau thương do chiến tranh và di cư để lại. Mặt khác,
cha xứ và giáo dân vẫn tiếp tục xây dựng đời sống tâm linh và tinh thần đạo đức
để sự sống đạo ngày một thăng tiến hơn.
Năm 1970, nhà thờ gỗ và tường bị
lở nên cha Gioan Hưởng- cha quê hương nhân lần về thăm quê đã thúc dục và cho
giáo họ tiền để làm thêm 2 trắm, xây thêm 2 cột đỡ và sửa lại tường.
Năm 1990, cha Sơn - người con Kẻ
E về thăm quê thấy bức tường trên cung thánh bị rạn, không đảm bảo an toàn,
Ngài đóng góp và kêu gọi con bà Châu vợ ông Phạm Huy Châu người Kẻ E ở Mỹ và
một người bà con khác ở bên đó tài trợ cho giáo họ để giáo họ sửa sang và nới
rộng thêm 3m Cung thánh dưới thời Cha Phê rô Hồ Đức Hạnh đang Quản Nhiệm Giáo
xứ Kẻ Đọng Lúc bấy giờ ông Phê rô Nguyễn Văn Thiệu Đang làm ông Trùm Thuê thợ xây đến từ Nam Định xây lại phần
Cung thánh kiên cố và vững chắc. Mặc dù chính quyền xã xuống gây khó dễ và đưa
ra những yêu cầu vô lí nhưng “Lòng người Kẻ E đã quyết thì không có gì ngăn cản
được”.
Năm 1995, cha già Phêrô được bề trên Giáo phận cho nghỉ hưu. Mặc dù có
nhiều nơi mời Ngài về an dưỡng nhưng Ngài vẫn quyết định chọn Kẻ E làm nơi gắn
bó cuối đời.
Năm 1996, cha Phêrô Trần Tùng
được Bề trên phân quản xứ Đông Tràng, kiêm phụ trách Giáo xứ Kẻ Đọng. Tuy công
việc nặng nề nhưng Ngài vẫn luôn quan tâm tới giáo họ nhỏ bé này.
Ngày 20/09/2002, trận lũ lịch sử
đã làm cho toàn bà con vùng Hương Sơn nói chung và Kẻ E nói riêng chịu tổn thất
và mất mát nặng nề về kinh tế. Trong cả tuần dài, người dân không có lương thực
để ăn và xác gia súc gia cầm chết trôi dạt làm héo hắt lòng những người nông
dân điêu linh, khốn khổ.
Nhà thờ, nhà phòng Kẻ E cũng bị
ngập nặng, cha già Hạnh phải lên nằm trên bàn thờ của nhà thờ, nước lũ ngập
cách bàn thờ chỉ 20cm. Sau trận lũ lịch sử, cha bị ốm nặng. Mặc dù giáo dân đã
mời các thầy lang y bác sĩ chạy chữa nhưng bệnh ngày một nặng thêm. Bà con
trong Giáo họ cũng như giáo xứ thay phiên nhau hết lòng chăm sóc Ngài đặc biệt
có những ông như ông Mậu,ông Lễ,ông Luận là người luôn ở bên cạnh ngài. Thế
nhưng tình thương của con chiên dành cho Vị mục tử dù có sâu nặng biết bao cũng
không níu giữ được Ngài Chúa đã gọi về với Chúa vào lúc 8h sáng ngày
24/10/2002. Xác Ngài ở lại nhà thờ giáo họ một đêm đến 8h sáng ngày hôm sau thì
đưa về nhà thờ xứ. Ngài được chôn cất trong khuôn viên giáo xứ Kẻ Đọng. Phần mộ
của Ngài đã được Cha Micae Trần Định tôn tạo lạo rất trang trọng,mỗi năm đến
ngày giỗ của Ngài con cái Giáo họ Kẻ E lại vè quy tụ quây quần bên phần mộ của
ngài dâng lời cầu nguyện cho Ngài và xin Ngài tiếp tục bầu cử Giáo Họ mà lúc
sinh thời Ngài hằng yêu mến.
1
-Từ
2002- nay: Củng cố niềm tin và phát triển
Năm 2002, Cha Tùng chính thức
quản xứ Kẻ Đọng. Từ ngày về quản nhiệm, trừ những lúc thời tiết thuận lợi thì
giáo dân Kẻ E về nhà thờ xứ tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Còn lúc mưa rét, cha đã
hi sinh lặn lội ra thăm và dâng lễ cho bà con.Trời lụt lội, cha vẫn tìm thuyền
để ra dâng lễ chứ không để bà con bị nhỡ mất lễ Cả.
Đến năm 2003, con em trong giáo
họ vẫn phải học giáo lý tại tư gia của các gia đình xung quanh nhà thờ. Việc này cũng đem lại nhiều khó khăn và bất
tiện nhưng giáo họ đành phải chấp nhận
vì điều kiện kinh tế không cho phép. Tuy nhiên, trong các đợt thi giáo
lý xứ, hạt, địa phận, học trò Kẻ E vẫn luôn đem về những giải thưởng cao. Từ nơi
cách xa quê hương, cha Benado Phạm Hồng Sơn lại một lần nữa giúp đỡ giáo họ và
khuyến khích việc học giáo lý cho các em bằng cách vận động và kêu gọi con cháu ở Mỹ tài trợ cho giáo họ
12000$ để xây 6 phòng học giáo lý.
Năm 2005, sau khi xây xong trường
giáo lý, bà Sanh là người con quê hương Kẻ E đã dâng cúng cho giáo họ một bức
tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm cao 2,2m, rất đẹp. Giáo dân đã nhanh chóng làm Tòa Kính
Đức Mẹ để hằng tuần vào tối thứ 7, mọi người ra trước tượng Mẹ lần hạt và cầu
nguyện. Ơn Đức Mẹ đã ban phát ra cho giáo dân nhiều không kể xiết. Các học trò
trước khi đi thi học sinh giỏi, thi đại học đều ra khấn Mẹ và được Mẹ nhận lời.
Những người bệnh tật đau yếu được Mẹ chữa lành rất nhiều. Kể cả những người
lương dân cũng thường xuyên chạy đến khấn xin Mẹ.
Nhằm
giúp giáo dân sống và củng cố niềm tin, Giáo phận Vinh đã mở các Năm Thánh theo
từng dấu mốc thời gian: Năm thánh Truyền giáo (2004); Năm Thánh Thể (2005); và
đặc biệt là Năm Giới Trẻ (2006) mở ra cơ hội lớn lao để mọi thành phần, nhất là
các bạn trẻ sống niềm tin của mình. Trong những năm ấy, giáo dân Kẻ E cũng rất
hân hoan và hưởng ứng theo kim chỉ nam của Giáo phận. Những cuộc rước, kiệu,
Chầu Thánh Thể được long trọng diễn ra với mục đích củng cố và tăng thêm Đức
Tin, Cậy, Mến trong lòng mỗi người giáo dân. Nhìn các hoạt động của người Công
giáo, bà con lương dân xung quanh cũng thêm phần mến mộ về lòng đạo đức và
nhiệt thành của người Kẻ E.
Cuối năm 2006, cha Phêrô Tùng được chuyển lên
xứ Kim Cương, cha Phaolo Chu Đức Phái về quản xứ Kẻ Đọng. Ngoài thánh lễ Chúa
nhật, cha cũng thường xuyên ra thăm và làm các Thánh lễ vào buổi tối hàng tuần cho
giáo họ. Bởi vì giáo họ thường xuyên bị mưa, lụt, nước ngập, nguồn điện còn
chập chờn nên cha đã cùng bà con quyên góp mua máy phát điện để phục vụ Thánh
lễ những ngày mưa lũ. Cha cũng thiết lập và củng cố lại những nghi thức về cưới
hỏi, ma chay trong giáo dân. Nhìn chung, đời sống tâm linh của giáo dân ngày
càng có chiều sâu hơn.
Ngày 10/12/2011, cha Michael Trần Định về tiếp quản giáo xứ Kẻ Đọng thay
cha Phái. Cha là người năng động và gần gũi với giáo dân. Từ khi về với giáo
xứ, mọi hoạt động và tổ chức của giáo xứ nói chung và giáo họ Kẻ E nói riêng
đều được cha đẩy mạnh. Có thể nói, Ngài như là một luồng gió mới cho giáo xứ Kẻ
Đọng. Các phong trào, hội đoàn tông đồ lần lượt được thiết lập và củng cố.
Phong trào giới trẻ sống đạo trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Giáo dân Kẻ E sẽ
không bao giờ quên hình ảnh người mục tử đã âm thầm lội nước lụt ngang tới ngực
từ nhà xứ ra thăm bà con để chia sẻ nỗi khổ cùng họ mà không gọi ghe thuyền vào
chở.
Hay
như trận lụt 2012, cha ra thăm và tiếp tế lương thực và nước uống cho bà con Kẻ
E không phân biệt lương giáo ngay trong dòng nước lũ dâng cao. Những nghĩa cử
đó là dấu ấn sâu đậm thể hiện một mục tử luôn lo lắng và chăn sóc cho đoàn
chiên mình. Có một điều đặc biệt, là từ thời Cha Hạnh, cha Tùng, cha Phái hay
cha Định, thì các cha đều ít nhất vài lần “được” ra dâng thánh lễ cho giáo họ
bằng đường thủy và phương tiện là thuyền bè gỗ. Điều đó cho thấy sự nhiệt thành
của những người mục tử, sự gắn bó thân thiết giữa các cha với giáo họ và cũng
nói lên sự khó khăn thiếu thốn của bà con giáo họ Kẻ E khi một năm phải hứng
chịu liên tiếp những trận bão lũ lớn.
Cho đến thời điểm hiện tại, giáo họ có: Gia
đình Thánh Tâm, Hội đoàn Legio Marie, Giới trẻ Junior, Thiếu Nhi Thánh Thể và
có nhóm đọc kinh Lòng Thương xót Chúa đều đặn vào 15h chiều thứ Sáu hàng tuần.
I.
Ơn
gọi từ 1951 đến nay
Cũng nhờ ơn Thiên Chúa, có Đức Mẹ phù trì
và tấm gương của các linh mục đi trước, từ năm 1951 đến nay, giáo họ Kẻ E lại
tiếp tục đóng góp cho Giáo hội những linh mục ưu tú. Các linh mục này được sinh
ra và lớn lên ở Kẻ E nhưng do thời cuộc và từ yếu tố di cư, họ đã theo gia đình
và mang tinh thần Kẻ E đến với các giáo phận, giáo xứ trên khắp mọi miền đất
nước và sang thế giới. Điều này cũng cho thấy sức mạnh tinh thần, trí tuệ và ý
thức nguồn cội của người Kẻ E nó lớn mạnh đến nhường nào. Dù ở trên đất mẹ hay
các vùng khác, những người con Kẻ E vẫn
luôn thể hiện được bản lĩnh của con cái Mẹ Vô Nhiễm.
Năm 1963, Cha Benard Phạm Hồng
Sơn chịu chức linh mục tại Vĩnh Long.
|
Linh mục Bernard Phạm Hồng Sơn |
Linh Mục Bê na đô Phạm Hồng Sơn có tên gọi khác là Cán,sinh năm 1928 tại
Kẻ E.Thụ Phong Linh mục năm 1963 tại Vĩnh Long. Hiện nay (2018) đang hưu
dưỡng trong tu hội Nhà Chúa ở New
Orleans, Mỹ.
Tiếp đến là cha Phanxicô Phạm
Quyền, chịu chức linh mục năm 1972 tại Đà Lạt.
Ngài từng làm Tổng đại diện tại
Giáo phận Phan Thiết, hiện đang phục vụ tại Giáo phận Phan Thiết. Linh mục Fx
Pham Quyền là người con Giáo Họ Kẻ E có 2 Bằng Tiến Sĩ Hội Đồng GM Việt nam đã
có lần đề xuất Ngài về làm Giám mục tại Giáo Phận Vinh nhưng vì có vấn đề nhảy
cảm về về chính trị nên Ngài xin thoái thác.
Cha Phanxicô Trần Văn Phương, trở thành linh mục dòng Don Bosco vào năm
2001 tại Bà Rịa, Hiện đang làm trưởng cộng đoàn Don Bosco Tân Cang, TP Biên hoà
, Đồng Nai, Địa phận Xuân Lộc.
Năm 1995, cha Phanxicô Xavie Trần Phương ( Loan) lãnh
nhận chức linh tại Địa Phận Sydney NSW Hiện làm chánh xứ St John the. EvangelistPaíh.24
Jerematta St Dapto. NSW Australia
Linh mục Fx Trần Văn Phương và Linh mục Fx Trần
Phương (Loan) là hai anh em ruột con ông cụ Phương đã qua đời bà cụ Thành hiện
nay 88 tuổi đang sống ở Sài gòn
Và gần đây nhất là cha Antôn Phạm Ngọc
Ái, chịu chức linh mục năm 2014 và hiện đang phục vụ tại Giáo phận Bà Rịa.
Cũng như các linh mục đi trước, các cha quê
hương luôn hướng về Kẻ E và đóng góp rất lớn cho công cuộc xây dựng và phát
triển giáo họ cho tới ngày hôm nay. Như đã nói ở trên, cha Sơn đã có công giúp
mở rộng cung thánh nhà thờ vào năm 1990 và xây dựng trường học giáo lý vào năm
2003. Cha Quyền cũng giúp một phần
(100.000.000 VND) để xây dựng nhà thờ mới hiện nay. Và các cha khác, bằng cách
này hay cách khác đã luôn cộng tác với bà con quê hương để đời sống đạo nơi quê
hương ngày càng lớn mạnh.
Bên cạnh các linh mục, cho đến
hiện nay, giáo họ Kẻ E cũng có 11 tu sĩ nam nữ đang học tập và tìm hiểu ơn gọi
tại các dòng tu trong Giáo phận Vinh và trên mọi miền đất nước.
Sức sống đạo và tinh thần của người Kẻ E
luôn dồi dào tựa như ơn Chúa và mẹ Vô Nhiễm tuôn đổ đầy tràn trên giáo họ. Ngày
hôm nay và mai sau, con cái hậu thế sẽ vững tin vào Ơn Chúa, tiếp bước tiếp nối
khí phách tiền nhân và cậy nhờ phúc ấm tổ tiên để làm rạng danh và giữ đúng cái
chất “người Kẻ E”.
PHẦN II. XÂY DỰNG NHÀ THỜ GIÁO HỌ: KẺ E LÀ KẺ CHÚA THƯƠNG!
I, Những ý định ban đầu
Nhà thờ cũ được xây dựng xong vào
năm 1940, đến năm 2015 là 75 năm đã xuống cấp, hư hỏng lại chật chội. Mùa mưa
lớn mái bị dột, nước chảy lênh láng khắp nhà thờ, giáo dân không thể đến đọc
kinh được; xung quanh các bức tường đều bị rạn nứt. Giáo dân rất ao ước có một
ngôi thánh đường mới khang trang hơn, rộng rãi hơn để việc thờ phượng Chúa được
thuận lợi. Từ thời cha Tùng, cha Phái quản nhiệm cũng đã trăn trở về vấn đề này
nhưng chưa thực hiện được.
Tháng 12/2011, Cha Micae Trần
Định được bổ nhiệm về quản xứ Kẻ Đọng. Ngay từ ngày đầu tiên ra làm lễ tại giáo
họ, nhìn thấy nhà thờ đã xuống cấp, cha đặt ngay kế hoạch làm lại nhà thờ.
II,“Dễ vạn lần không dân cũng khó. Khó vạn lần
dân liều cũng xong”.
Ngày 02/07/2014, giáo họ mở cuộc họp đầu tiên
để lấy ý kiến của giáo dân; 100% đều nhất trí quyết tâm làm nhà thờ. Đến ngày
20/07, giáo họ lại tổ chức cuộc họp thứ 2 với sự tham gia của cha quản xứ. Cha
đã vạch ra phương hướng, phân tích cách làm phù hợp và hiệu quả vì dân kinh tế
nghèo, không có nguồn tài trợ và tay nghề còn thấp. Cuộc họp nhất trí cho giáo dân đóng góp tiền xây
dựng theo từng đợt, mỗi đợt như vậy đóng một hộ 3.000.000VND; một khẩu
500.000VND. Và cũng trong cuộc họp ấy, nhờ sự vận động của
cha xứ, giáo dân đã có tinh thần dâng cúng số tiền 117.200.000VND và 13 xe đá
hộc để mua đá móng.
Tháng 8/2014, giáo họ lại mở cuộc
họp bầu ra người chịu trách nhiệm trong công việc xây dựng là 6 ông ban hành
giáo là ông Anton Phạm Mỹ Chủ Tịch Hội Đồng,ông Phạm Trung,ông Phạm Chinh,ông
Phạm Duẫn,ông Nguyễn Hùng,sau đó cha đưa ông Tâm vào Phụ trách Phụng vụ.
ông
Phêrô Phạm Ái,Ông Phạm Đoài được
giao trách nhiệm trưởng và phó ban xây dựng,mọi người cùng cha Xứ đã bàn về quá
trình làm thế nào cho phù hợp và đã chọn được mẫu nhà thờ do cha Cha xứ đề xuất.
Cuộc họp nhất trí trả tiền công cho những thợ chính có tay nghề, còn thợ phụ
thì cắt cử giáo dân đi làm, chia luân phiên theo 4 nhóm. Với sự quyết tâm cao
của cha xứ cũng như chương trình cụ thể của giáo họ, cha xứ đã đi ra Tòa giám
mục xin Đức cha Phaolo cho Giáo họ Kẻ E được làm nhà thờ. Ban đầu Ngài không
đồng ý vì trong giáo xứ có 2 giáo họ còn đang làm nhà thờ dang dở mà xứ Kẻ Đọng
là một giáo xứ nghèo. Đến ngày 07/01/2015, cha xứ lại tiếp tục ra trình bản thiết kế, trình bày hoàn cảnh và xin bề trên xét duyệt hồ sơ xây nhà thờ vì
ngôi nhà thờ cũ không thể sinh hoạt được; hơn nữa bà con giáo dân đều đồng tâm
nhất trí
làm nhà Chúa. May thay, Đức Cha
đã thương và chấp nhận cho nguyện vọng của giáo dân cũng như cha xứ. Ngôi thánh
đường tương lai sẽ dài 40m, rộng 22m; được thiết kế với cấu trúc 2 tầng: tầng
trên là nhà nguyện và tầng dưới là phòng khách, phòng bếp và các phòng học giáo
lí. Bản thiết kế này rất phù hợp với tình hình của giáo họ là nơi thấp lụt và
đất đai chật hẹp. Để hợp thức hóa về mặt pháp lí, Ban hành giáo đã làm Giấy
thông báo về việc xây dựng nhà thờ kẻ E cho các cấp chính quyền với 4 lí do: Có
sự chấp nhận của Đức Giám mục Giáo phận; Nhà thờ đã xuống cấp trầm trọng; Đã có
bản thiết kế và Đã có một số nguồn vốn để xây dựng. Về số gỗ của nhà thờ cũ,
Cha xứ và ban ngành đã bàn nhau bán số gỗ đó được 300 triệu đồng và dùng số
tiền này để mua gỗ đóng cửa và bàn quỳ cho nhà thờ mới. Và với số tiền gần 1 tỉ
đồng của đợt dâng cúng đầu tiên, giáo họ đã có cơ sử để tự tin bước vào hành
trình “Xây nhà Chúa”.
III, “Ví như Chúa chẳng xây nhà. Thợ về vất vả cũng là uổng công”
Những hình ảnh tháo giở nhà thờ cũ ngày 17 tháng 01 năm 2015
Ngày 17/01/2015, ngôi nhà thờ cũ chính thức được
dỡ bỏ. Phần đất nền nhà thờ được đào lên và đem ra đổ tạm ở mấy phần
đất trước nhà thờ của 3 hộ giáo dân đã dâng cúng cho giáo họ. Mới đổ được nửa
ngày thì các cấp chính quyền đã cho lực lượng đến ngăn cấm không cho đổ. Đây là
khó khăn đầu tiên, căng thẳng và một số giáo dân đã lo lắng công trình này khó
có thể tiếp tục. Nhưng có Chúa và Mẹ Maria đồng hành, cùng với tài trí của cha
xứ, ngài đã thu xếp ổn thỏa mọi chuyện. Cha thông báo rằng giáo họ chỉ mượn đất
để đổ tạm thời thôi, vì đây là đất Thánh không thể đưa đổ bừa bãi đi nơi
khác; chính quyền đã đồng ý và yêu cầu giáo dân kí vào giấy cho Giáo họ Kẻ E
mượn đất. Kể từ ngày giáo họ khởi công làm, ngày nào Cha xứ cũng có mặt trên
công trình đồng hành cùng giáo dân. Việc gây khó dễ từ chính quyền không làm nhụt đi ý chí
của bà con, mà ngược lại càng làm cho mọi người quyết tâm và hăng say xây dựng
hơn. Ở trước tượng đài Đức Mẹ cũ, cha xứ cho làm một nhà nguyện tạm thời để
dâng Thánh lễ trước khi hoàn thành tầng trệt.
Ngày 24/01/2015,
Giáo họ huy động toàn bộ giáo dân đổ móng nhà
thờ với sự giúp đỡ của các giáo họ Tiền Sơn, Trị Sở. Nền móng được thiết kế
vững chãi, chắc chắn và dự tính kinh phí khoảng 1 tỉ đồng. Không khí làm việc
trên công trường đầy hăng say và nhiệt huyết. Chỉ từ 6h sáng tới 6h đêm, trọn
vẹn 12 tiếng đồng hồ, giáo dân đã hoàn thành đổ móng trong tiếng reo vui hồ hởi
và lời ca Tạ ơn Chúa cho bước đầu công việc được tốt đẹp.
|
Tổng hợp một số hình ảnh xây dựng nhà thờ Giáo Họ Kẻ e |
Sau 3 tháng xây dựng, số tiền
công thợ phải trả rất lớn khiến nguồn vốn cạn dần. Một cuộc họp khẩn cấp được
mở ra để thanh toán tiền công thợ và bàn lại kế hoạch xây dựng. Sau khi bàn
bạc, giáo họ quyết định chuyển sang làm theo 4 nhóm, mỗi nhóm 5 ngày luân phiên
nhau mà không trả tiền công thợ.
Đến
ngày 10/05/2015, sau hơn 3 tháng dâng Thánh lễ dưới lều bạt, Thánh lễ đầu tiên
ở tầng trệt được cử hành trong không khí hân hoan và xúc động.
Mọi kế hoạch hầu như được diễn ra tuần tự từng
bước như ý định an bài của Thiên Chúa. Từ việc đổ sàn nhà thờ, đổ cột, đổ kèo
mái vòm cung thánh, đổ sảnh, đổ hai cánh Thánh giá, đổ kèo trần, đổ tháp... đều
được hoàn thành xuất sắc và suôn sẻ. Bên cạnh việc đóng góp nội lực, cha xứ đã
tổ chức các Thánh lễ cả giáo xứ dâng cúng cho giáo họ; Thánh lễ vào mồng 3 Tết
hàng năm để con em đi làm ăn xa góp một phần vào công trình xây dựng. Ngài cũng
cho ban hành giáo đi quyên góp tiền từ những người con của giáo họ đã định cư ở
miền Nam. Nhờ các hoạt động dâng cúng và nộp tiền theo nghĩa vụ từng đợt mà
giáo họ có vốn liên tục để làm nhà thờ, hầu như không bị đình trệ một ngày nào
cả. Trong lúc thi công công trình, giáo dân vừa đóng tiền, vừa góp gỗ, đồng
thời ban ngành cắt cử người đi xin gỗ tại các giáohọ bạn; nhờ đó huy động được
tối đa vật tư trong giáo dân, nhà thờ có gỗ làm giàn giáo và làm trần bền đẹp.
Ngày 12/10/2015, những viên ngói
đầu tiên được lợp lên mái nhà thờ. Chỉ trong 3 ngày, mái nhà thờ được phủ một
màu đỏ tươi như một mốc son mới và đánh dấu sự khởi sắc trong quá trình xây
dựng nhà Chúa.
Đến
ngày05/01/2016, tất cả phần thô hầu như được hoàn thiện, một nửa chặng đường đã
qua, nửa còn lại sẽ vất vả hơn và đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế để ngôi thánh
đường được hoàn thành một cách nghệ thuật nhất.
Khi lợp xong nhà thờ, tiền của giáo họ đã hết
và số nợ cũng khá nhiều, không có tiền để mua xi măng để làm các công đoạn tiếp
theo. Giáo dân các nhóm đi làm nhà thờ đã chủ động bỏ tiền quyên góp mua xi
măng để công việc không bị gián đoạn. Rồi đến phần trang trí trong nhà
thờ,trần, làm cửa, lát gạch, một đợt quyên góp mới được huy động. Bà con đóng
góp gỗ xoan đâu, giáo họ thuê thợ mộc chuyên nghiệp ở Tràng Đình trần nhà thờ
và nhà phòng. Bà con góp tiền mua gỗ, giáo họ thuê thợ ở Đồng Lèn
đóng bàn ghế và đóng cửa. Nhờ có sự động viên của cha xứ,
bà con trong giáo họ luôn phấn khởi xây dựng và đóng góp. Mặc dù có một vài hộ
gia đình khó khăn và các ông già bà lão neo đơn không có điều kiện nhưng họ vẫn
cố gắng góp một phần sức mình dù là vài chục, vài trăm nghìn hầu công việc
nhanh chóng được hoàn thành.
Song song với việc xây dựng phần
nhà thờ, thì tầng dưới cũng được nhanh chóng thi công. Phòng khách, phòng nghỉ
của các cha,
phòng nghỉ của khách, phòng
ăn được xây tiện nghi và rộng rãi. Còn các phòng học giáo lí dự tính sẽ xây tiếp
sau khi khánh thành nhà thờ.
Ngày 04/8/2016, tháp nhà thờ bắt
đầu được sơn. Giáo họ chọn sơn màu xanh nước biển như màu của tà áo Mẹ Maria.
Đến tháng 11, trần nhà thờ được đóng xong và tiếp tục sơn bên ngoài . Sau một
thời gian ngắn, toàn bộ nhà thờ từ trong ra ngoài được phủ một lớp áo mới, đẹp
đẽ và xinh xắn.
Xong
các công đoạn quan trọng, đến phần trang trí trong nhà thờ cũng không kém phần
vất vả. Như một phép lạ, hay nói chính xác hơn là có Chúa và Mẹ quan thầy sắp
đặt, các ân nhân và người trong giáo họ đều hăng hái dâng cúng cho nhà thờ. Bàn
tiệc dài 3m, rộng 1m và dày 15,5cm được
9 gia đình dâng cúng bằng đá cẩm thạch với số tiền 60 triệu đồng. Bàn đọc sách
và nhà tạm do một người ngoài giáo họ dâng cúng trị giá 15 triệu đồng.Thánh giá
Chúa bằng gỗ quý được đặt từ Sài Gòn chuyển ra trị giá 20 triệu đồng. Ngày
12/11/2017, giáo họ lắp xong 14 chặng đường Thánh Giá chất liệu Composite được
đặt theo kích thước và mẫu mã riêng do người thợ Thanh Dạ làm ở trong miền Nam
chuyển về. 14 chặng Thánh giá này do một gia đình ông Duẫn Châu dâng cúng. Đúng
một tuần sau, ngày 29/11, Tượng Đức Mẹ Vô nhiễm được đặt lên 4 phiến đá đen trị
giá 150 triệu. Tượng này do bà Sanh là người con quê hương của giáo họ dâng
cúng vào năm 2005 và 4 phiến đá này cũng do bà dâng cúng cho giáo họ. Rồi ngày
06/12/2017, trước lễ Quan thầy Mẹ Vô nhiễm 2 ngày, tượng Thánh Giuse và Đức Mẹ
được đặt lên ngai với số tiền 25 triệu đồng do một người con quê hương của giáo họ dâng cúng.
Ngày 8/12 năm ấy,
Lễ Quan thầyđầu tiên trong nhà thờ mới được diễn ra trong không khí long trọng và sốt mến
với sự tham dự của quý cha trong hạt Nghĩa Yên và đông đảo bà con giáo dân.
Ngôi thánh đường tuy rộng rãi
nhưng chật kín người, ai nấy đều phấn khởi vui tươi.
IV,Mở rộng mặt bằng và làm khuôn viên
Công việc xây nhà thờ hầu như được
hoàn thiện, đến giai đoạn mở rộng và làm khuôn viên. Đất đai của giáo họ rất
chật hẹp, xây xong nhà thờ hầu như là hết đất và không có chỗ để làm khuôn
viên. Như đã nói ở trên, trong quá trình làm móng nhà thờ, giáo họ đã mượn đất
ruộng của một số hộ giáo dân phía trước để đổ đất. Trong thời gian làm nhà thờ,
các hộ đó đã quyết định dâng cúng số đất đó cho nhà thờ. Nhưng ngặt nỗi, các
ruộng đó lại xen kẽ với ruộng của người lương dân nên rất khó để giải tỏa mặt
bằng. Nhờ mưu trí của cha xứ và sự khôn khéo thuyết phục của các ban ngành, một
số hộ lương dân đã đồng ý bán cho nhà thờ số ruộng đó. Cha Michael đã nhanh
chóng cho đổ đất, san lấp mặt bằng. Khi đổ đất xong, diện tích đất nhà thờ được
tăng thêm 1500m2.
Ban xây dựng đã nhanh chóng thiết kế và xây bờ bao xung quanh
nhà thờ.
Phần mặt bằng đã lo ổn thỏa, cha
xứ kêu gọi người dân dâng cúng cây cổ thụ lâu năm. Các gia đình trong giáo họ
“giành nhau” để dâng cúng. Chỉ trong 4 ngày, những người đào cây chuyên nghiệp
trong giáo họ cộng với sự giúp đỡ của các nhóm đã trồng xong 16 cây, trong đó
có 4 cây xoài và 12 cây lộc vừng (cây mưng). Có một số cây gần và hơn trăm
tuổi, như là minh chứng sống động lớn lên và trường tồn theo dòng lịch sử của
giáo họ. Nhờ có sự giúp đỡ của các em Thiếu Nhi Thánh Thể toàn giáo xứ và các
thành viên của Gia đình Thánh Tâm trong giáo họ, trong 1 tuần, khuôn viên của
giáo họ được lát cỏ xanh mướt và đẹp đẽ.
Trồng cây xong, lát cỏ xong,
cha xứ và ban xây dựng lên kế hoạch họp bàn
xây cổng sao cho ấn tượng và phù hợp với ngôi nhà thờ bề thế. Cha đã lên sáng
kiến dùng những hòn đá cuội để xây nên cổng cao, to và vững chãi. Những hòn đá
cuội được giáo dân đi lấy ở vùng Đại Kim, giáp Lào, cách Kẻ E hơn 50km. Sau 13
ngày miệt mài trên công trường, ngày 16/10/2018, các nhóm thợ đã xây xong cổng đá cuội, là
một kiến trúc độc đáo trong vùng không ai có khiến nhiều người và phải nán chân lại để chiêm ngưỡng. Ở
trên cổng đá sẽ được đặt tượng Chúa Kitô Vua cao 3m, hướng về nhà thờ của giáo
xứ, dang rộng tay như ban phát ơn lành và Lòng
khách đi qua
thích thú
Thương Xót Chúa cho tất cả mọi
người trong giáo xứ. Số tiền xây dựng cổng do con em đi làm ăn xa trong giáo họ
quyên góp được hơn 150 triệu đồng.
V, Chuẩn bị khánh thành nhà thờ
Linh mục Micae Trần Định Chủ trì cuộc họp bàn về việc chuẩn bị Lễ khánh thành nhà thờ Giáo Họ Kẻ E được tổ chức vào ngày 08/12/2018
Đông đảo Giáo dân trong toàn Giáo Họ tập trung về nhà thờ tham dự cuộc họp
Cuối năm 2018, khi mọi công việc xây dựng
dường như đã hoàn thành, cũng nhân dịp kỉ niệm 100 năm thành lập giáo họ, cha
quản xứ đã xác định đây là thời điểm chín muồi để khánh thành nhà thờ. Ban tổ
chức khánh thành được thành lập, cha quản xứ đích thân làm trưởng ban. Ngài mở
ra 2
cuộc họp lớn để bàn bạc và giao nhiệm vụ chi tiết cho từng ban viên và
toàn thể giáo dân. Vào Thánh lễ Chúa nhật XXXIV Thường niên nhăm lễ Chúa KITO
Vua một cuộc quyên góp mới trong toàn giáo xứ được kêu gọi. Có thể nói đây là
cuộc quyên góp cuối cùng cho công việc xây dựng của Giáo họ kẻ E để giúp đỡ
thêm kinh phí cho giáo họ khánh thành. Tinh thần giáo dân sở tại cũng như con
cái làm ăn xa ai nấy đều phấn khởi và hưởng ứng tích cực.
Ngày 22/10/2018, Đức Cha Phaolo
Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, qua
lời thỉnh cầu của cha Michael Trần Định, quản xứ Kẻ Đọng đã ấn định
Thánh lễ Khánh thành nhà thờ Giáo họ Kẻ E sẽ diễn ra lúc 8h sáng ngày
8/12/2018, nhằm vào Lễ Đức Maria Vô Nguyễn Nguyên tội- Quan thầy giáo họ. Đức
Giám mục chính tòa Giáo phận đã ưu ái hứa sẽ đích thân chủ sự Thánh lễ này. Để
chuẩn bị cho sự kiện trọng đại sắp tới, các hạng mục công việc gấp rút được
hoàn thiện: từ sân khấu đến trang trí, từ khách mời đến ẩm thực, từ tài liệu
đến phụng vụ... Tất cả đang được cha xứ, các ban ngành, các cộng tác viên cùng
toàn thể cộng đoàn giáo dân thực hiện trong tinh thần trách nhiệm cao.
Những thành quả đáng ghi
nhận
“Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan” (Tv 104,24)
Thật vậy! Trải qua gần 200 năm,
từ những bước chân chạy nạn đầu tiên đến nay (2018) giáo họ đã có 118 hộ dân
với trên 500 nhân khẩu. Đời sống đạo- đời nâng cao và phát triển.
Giáo họ Kẻ E đã trải qua biết bao
thăng trầm lịch sử nhưng nhờ ơn Chúa và lời bầu cử của Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên
Tội quan thầy, con cái Kẻ E đã vượt qua những khó khăn thử thách để sống Đức
tin và làm chứng Tin Mừng trên mảnh đất này. “Chúa đã làm cho ta những điều cao cả. Danh Ngài thật chí thánh chí
tôn”.Tạ ơn tình Chúa bao la vì chính Chúa đã an bài cách kì diệu, tạo ra
thiên thời, địa lợi, nhân hòa để khi đến thời đến buổi thì mọi sự được hoàn tất
trong chương trình tình thương của Ngài. Và nhờ bàn tay che chở của Mẹ Quan
thầy, mọi ý định và kế hoạch của con cái Mẹ luôn được thực hiện hầu làm sáng
danh Chúa và xứng đáng làm con của Mẹ.
Tiếp đến, giáo họ xin tri ân các
bậc tiền nhân, các bậc tiên tổ, các thành viên trong giáo họ đã được Chúa gọi
về Nước Hằng Sống. Các ngài đã có công ơn sinh thành, gìn giữ và dựng xây Giáo
họ Kẻ E trang hoàng cho hậu thế hôm nay được hưởng nhờ những hoa trái ngọt
lành.
Giáo họ mang ơn các cha xứ và các
cha quê hương qua các thời kì. Cha già Phêrô Hồ Đức Hạnh đã gắn bó với giáo họ
hơn nửa thế kỉ, và khi Ngài trút hơi thở cuối cùng cũng là trên mảnh đất Kẻ E
thân yêu. Cha Phêrô Trần Tùng với 6 năm phụ trách (1996-2001) và 5 năm quản xứ
(2002-2006); cha Phaolo Chu Đức Phái với 5 năm quản xứ (2006-2011) : các Ngài
đã chăm lo đời sống cho giáo dân, củng cố Đức tin mạnh mẽ cho giáo họ. Cha
Michael Trần Định quản xứ đương nhiệm là người đồng hành với giáo họ “từ khởi
sự cho đến hoàn thành” nhà thờ. Bên cạnh đó là sự giúp đỡ của các cha quê
hương, luôn theo dõi và hướng về đất mẹ để giúp đỡ giáo họ bằng cách này hay
cách khác.
Giáo họ ghi công các vị làm Ban
mục vụ qua các thời kì từ cố Trùm Uyên khi mới thành lập cho tới đời ông Anton
Phạm Mỹ là ông câu cuối cùng ông đã đồng với công trình xây dựng ngôi thánh
đường mới này suốt 3 năm nhưng vì lý do sức khỏe ông đã không còn tiếp tục gánh
vác công việc nhà Chúa cho tới ngày nhà Thờ được Khánh thành ông đã xin Cha xứ
và giáo dân cho ông nghĩ làm Chủ tịch hội đồng MV Giáo họ vào ngày .. tháng 5
2018,Tiếp đó là ông Gioan Phạm Trung, Gioan
Phạm Thế Chinh, Phêrô Phạm Duẫn, Gioan Nguyễn Thế Hùng ông Phê rô Phạm
Tâm làm ban mục vụ giáo họ trong quá trình xây nhà thờ; ông Anton Phạm Ái
trưởng ban xây dựng là người luôn theo sát và dành trọn tâm huyết cho công
trình; bốn ông Thành, Nhân, Hoàng, Nguyện là các nhóm trưởng trực tiếp thúc dục
và quản lí các nhóm xây dựng. Cùng với sự nổ lực không quản nắng mưa của toàn
thể bà con trong Giáo họ, đã quảng đại hi sinh công sức, thời gian và tiền của
để xây dựng nên ngôi Thánh Đường nguy nga lỗng lẫy hôm nay.
Giáo họ tri ân các thầy cô giáo lí viên, các vị trong ban giáo lí và phụ
huynh qua các thời kì đã hi sinh thời gian công sức để giảng dạy, truyền đạt lẽ
đạo cho con em.
Giáo họ ghi nhớ sự quảng đại của
các hộ gia đình bà Chương,ông Xuân, bà Hợi, bà Lý đã dâng cúng các phần đất
ruộng để có khuôn viên rộng và đẹp như ngày nay. Cám ơn các gia đình đã dâng
cúng cây cổ thụ, các bạn giới trẻ đã dâng cúng tiền mua loa máy và xây cổng cho
nhà thờ. Xin cám ơn một số ân nhân như gia đinh ông Liên bà Tình trị sở dâng
cúng tiền mua bàn tiệc,gia đình anh chị Sinh- Nguyệt, gia đình anh chị
Chinh-Vân gia đình anh chị Duẩn- Châu, gia đình bà Liên,...và rất nhiều các gia
đình khác. Ngoài ra, còn có biết bao con người âm thầm cầu nguyện, hi sinh công
của cách này hay cách khác, góp phần quan trọng làm nên Kẻ E của ngày hôm nay. Và
Để có được tiền của xây dựng nên ngôi thánh Đường hôm nay ngoài công lao và
tiền của do các bà con giáo dân trong và ngoài giáo họ chúng con cũng phải nhớ
đến các đại ân nhân như gia đình bà Phạm Sanh là một người con quê hương đã
giúp đỡ giáo họ rất nhiều tiền của,ngoài ra còn có Cha Sơn và các con cháu của
ngài như bà Nghịa và con cháu,ông Huê,ông Hạnh,Cha Quyền và anh em của ngài…vv
và rất rất nhiều người khác mà chúng con không kể hết ra đây.
3 năm, 10 tháng, 21 ngày xây nhà thờ là quãng thời gian đầy kỉ niệm và lao nhọc nhưng chan chứa tình
Chúa, tình người đối với giáo dân Kẻ E. Xuyên suốt hành trình vất vả này, cha
xứ Michael Trần Định luôn nhắc đi nhắc lại 4 từ: “Ơn Chúa” và “Đoàn Kết”. Phải!
Nhờ ơn Chúa giúp và sự đồng tâm đồng lòng của giáo dân thì chẳng có khó khăn
nào không vượt qua, chẳng có công tình nào làm khó được.
Một trăm năm chính thức được
thành lập, gần hai trăm năm hình thành và phát triển, tương lai vẫn đang dài
rộng ở phía trước. Một lần xây nhà nguyện, hai lần xây nhà thờ là những kỉ niệm
khó phai. Con cái Kẻ E phải luôn ý thức rằng, mỗi người cũng là một đền thờ của
Thiên Chúa. Xây dựng đền thờ tâm hồn còn quan trọng và gian nan hơn nhiều xây
dựng đền thờ vật chất.
Kẻ E- một giáo họ với bề dày
truyền thống 100 năm lịch sử đang thể hiện một khuôn mặt trẻ trung, giàu tính
khát vọng đang mạnh mẽ vươn lên. Chào đón vận hội mới, bên cạnh những dấu chỉ
của niềm vui và hi vọng, giáo họ Kẻ E cũng đang đứng trước những khó khăn và
thách đố lớn lao đòi hỏi mỗi người luôn biết bám víu cậy trông vào ơn Chúa.
Ngày hôm nay, dưới sự dẫn dắt của cha Michael Trần Định, giáo họ 100 tuổi đang
tiếp tục cất bước đăng trình. Những kết quả đạt được, những ấn tượng khó phai
sẽ là động lực nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình Đức tin hôm nay và tương
lai.
Đứng trước thời khắc lịch sử,
mừng kỉ niệm Bách chu niên thành lập giáo họ, mừng lễ Mẹ Maria Vô Nguyễn quan
thầy, chuẩn bị cung hiến bàn thờ và làm phép nhà thờ giáo họ Kẻ E, chúng con-
toàn thể con cái giáo họ, hiệp cùng chủ chăn và cộng đoàn dâng lời tạ ơn Chúa
vì muôn ơn lành Ngài đã thương ban; đồng thời khiêm tốn nài xin Mẹ Quan thầy
trả công bội hậu cho quý cha, các ân nhân và thân nhân; và đặc biệt xin Chúa
hoàn tất chương trình tốt đẹp Chúa đã muốn khởi sự nơi mỗi người chúng ta.
PHỤ LỤC
1. Các Linh mục quê hương Giáo họ Kẻ E
1. Lm Phêrô Phạm Lễ, sinh năm 1879 tại Kẻ E. Linh Mục năm 1918 tại Xã Đoài. Từ trần năm 1947 tại Lập Thạch
2. Lm Phanxico Xavie Phạm Quyền, sinh năm 1888 tại Kẻ E. Linh Mục năm 1923 tại Xã Đoài.Từ trần năm
1953 tại Xã Đoài
3. Lm Phêrô Phạm Hữu Nghi, sinh
năm 1895 tại Kẻ E. Linh mục năm 1928 tại Xã Đoài. Từ trần năm 1972 tại Ban Mê
Thuột.
4. Lm Phanxico Xavie Phạm Dụng, sinh năm 1908 tại Kẻ E. Linh mục năm
1938 tại Xã Đoài. Từ trần năm 1948: do một người lính Pháp say rượu trong
đồn phà Gianh bắn loạn xạ vào nhà xứ Đan Sa làm cha phó
Dũng tử nạn.
5. Lm Gioan Phạm Khắc Hưởng, sinh năm 1912 tại Kẻ E. Linh mục năm 1942 tại Xã Đoài. Từ
trần năm 1979 tại Quy Chính
6. Lm Bênađô Phạm Hồng Sơn (Cán), sinh năm 1928 tại Kẻ E. Linh mục năm
1963 tại Vĩnh Long.
Hiện nay (2018) đang hưu dưỡng trong tu hội Nhà Chúa ở New Orleans, Mỹ.
7. Lm Phanxico Xavie Phạm Quyền sinh 1943 tại Kẻ E. Linh mục năm 1972
tại Đa Lạt. Hiện nay (2018) đang phục vụ
tại Gp Phan Thiết.
8. Linh mục Fx Trần văn Phương . Sdb
Sinh ngày 07.02.1954
Rửa tội ngày 11.02.1954
Thuộc Dòng Salesien Don Bosco .
Lãnh Tác vụ Linh mục ngày
01.01.2001 tại Bà Rịa, Vũng Tàu.Hiện đang làm trưởng cộng đoàn Don Bosco Tân
Cang, TP Biên hoà , Đồng Nai, Địa phận Xuân Lộc.
9.
Cha Fx Trần Phương . Sinh ngày 21.7.1957.
Lãnh Tác vụ Linh mục ngày 01.7.1994 tại Đia Phận Sydney .
NSW
Hiện làm chánh xứ St John the Evangelist Paíh. 24
Jerematta St Dapto. NSW AUSTRALIA
10. Antôn Phạm Ngọc Ái, sinh năm 1981 tại Kẻ E. Linh mục
năm 2014 tại Bà Rịa. Hiện nay (2018) đang phục vụ tại Gp Bà Rịa. Trong các Linh
mục là những người con của Giáo Họ Kẻ e có Cha Phêrô Phạm Lễ và Phêrô Phạm Hữu Nghi
là hai anh em ruột. và Cha Phanxico
Xavie Trần Văn Phương và Phanxico Xavie Trần Phương (Loan) là hai anh em ruột.có
2 Linh mục cùng tên đó là Cha Fx Phạm Quyền sinh nam1888 và Cha Fx Phạm Quyền sinh
năm 1943.có 8 Cha Họ Phạm
I, Ân tình giữa Cha già Phêrô Hồ Đức Hạnh và bà con giáo dân Kẻ E.
Cha Phêrô Hồ Đức Hạnh sinh ngày 24/10/1904 tại Giáo xứ Thổ Hoàng, Giáo
hạt Ngàn Sâu (Hương Khê- Hà TĩnhNăm 1951, Cha Phêrô được Bề trên chuyển về quản
xứ Kẻ Đọng. Trong suốt nửa thế kỉ coi sóc, Cha đã dành trọn vẹn tâm trí, nhiệt
huyết và tình cảm cho Giáo xứ Kẻ Đọng. Đặc biệt hơn, mối ân tình giữa Cha với
bà con giáo họ Kẻ E được kết dệt ngay từ khi cha về quản xứ, đến khi cha về hưu
tại giáo họ và ngay cả khi cha đã an nghỉ trong Chúa thực sự sâu đậm và để lại
dấu ấn khó phai trong lòng mỗi người. Những kỉ niệm về Cha vẫn được các cụ ông,
cụ bà thường xuyên kể lại để con cháu sau này biết đến và tự hào. Trong dịp ôn
lại lịch sử của Giáo họ, chúng con xin trích một vài câu chuyện về người cha
già Phêrô đáng kính để hậu thế sau này
được biết; cũng như xin thắp một nén hương lòng tưởng nhớ về Cha.
Từ khi mới về nhận xứ Kẻ Đọng,
cha đã quan tâm đặc biệt tới giáo họ Kẻ E-
một giáo họ nằm riêng biệt tại xã Sơn An ( các Giáo họ còn lại nằm trên
địa bàn xã Sơn Tiến). Hồi đó, xã hội tìm mọi cách ngăn cấm sự sinh hoạt của
Giáo hội, đặc biệt là các cha, các thầy, các tu sĩ cũng như những người làm
việc trong Giáo Hội. Chúng xúi dục những người dại dột để vu khống đổ lỗi cho
các cha để tìm cách bắt bớ. Mặt khác, lại rình mò theo dõi từng cử chỉ lời ăn
tiếng nói của các Ngài để bắt và quy tội. Năm 1955, bà Yêm là người giúp việc
nấu ăn cho Cha do tuổi già, đau nặng và bị chết; cán bộ xã Sơn Tiến quy tội do
cha làm chết để bắt Cha và đem giam tại nhà ông Nào tại Giáo họ Kẻ Trúa (vườn
ông Ngô, ông Phi hiện nay). Khi ấy, giáo dân không biết cha ở đâu và giáo xứ
không ai dám đi tìm cha. May thay, có bà Huy ở giáo họ Kẻ E là em gái ruột cha
Nghi, cha Lễ quyết đi tìm cha. Bà đóng giả là người bán thuốc lào, đi từng nhà
để tìm cha. Đi hết nhiều ngày, khi đến nhà ông Nào thì bà thấy cha đang bị giam
ở đó, bà liền chạy về kêu thêm mấy bà khác nữa là bà Lộc, bà Đoan, bà Kinh, bà
Tín vào cứu cha. Khi các bà vào thì họ đã dời cha đi giam nơi khác, các bà hốt
hoảng chạy đi tìm. Trên đường đi, các bà khóc lóc và gặp một số người; các bà
tâm sự với họ thì được họ chỉ cho là công an vừa đưa Cha vào nhà ông Phòng (nay
là vườn ông Tạ). Các bà vào thấy được Cha thì kêu lên:
“ Thả Cha ra để Cha về làm lễ. Cha chúng tôi
không có tội gì mà các ông bắt giữ”; hôm ấy là áp ngày lễ các Thánh. Các bà kêu
van mãi làm chính quyền không thể nào giữ được Cha, đến chiều tối họ họp lại
bàn với nhau thả cho Cha về làm lễ. Được thả ra, Cha già về thẳng giáo họ Kẻ E,
sáng ngày lễ các Thánh, Ngài làm lễ tại giáo họ và ở lại thêm mấy ngày rồi mới
về nhà xứ.
Cách một tháng sau, chính quyền
lại bắt Cha sang xã và giam giữ cha ở nhà ông công an xã Sơn Tiến (xóm Bạch Sơn
hiện nay). Nghe tin cha bị bắt, toàn bộ giáo dân Kẻ E kéo nhau đến nơi cha bị
giam, đòi họ thả Cha ra. Do đông người và sợ áp lực dư luận, họ đành phải thả
Cha về và từ đó về sau không dám làm gì nữa.
Trải qua 50 năm phục vụ giáo xứ,
giáo họ, Cha đã cùng đồng cam cộng khổ với giáo dân. Đến năm 1995, Cha được bề
trên cho nghỉ hưu do tuổi cao sức yếu và đi lại khó khăn. Cha đã thương và
quyết định nghỉ hưu tại giáo họ Kẻ E.
Sau khi nghe tin, ban hành giáo
mời giáo dân đến họp và toàn giáo họ nhất trí mời cha về hưu tại Kẻ E. Lúc ấy,
nhà phòng còn chật chội, nơi ăn chốn ở không có, các việc sinh hoạt khác cũng
khó khăn nhưng cha vẫn quyết định ở lại để giúp giáo họ được tham dự Thánh lễ
Misa hàng ngày hoặc những ngày mưa lụt không vào nhà thờ xứ xem lễ được. Cha
từng tâm sự rằng: “Cha chọn Kẻ E là nơi hưu dưỡng vì những lúc khốn khó, Kẻ E
đã giúp cha. Hơn nữa, giáo họ Kẻ E phần đa là con cháu các cha. Đất lành thì
chim đậu”. Giáo họ đã cử ông Sỹ, ông Lễ, ông Mậu, ông Luật, ông Luận là những
người thay phiên nhau giúp việc trong nhà thờ và giúp cha sinh hoạt cơm nước
hằng ngày. Ngoài ra, các gia đình vẫn thường xuyên đến thăm và giúp đỡ cha
những nhu cầu cần thiết.
Kẻ E là vùng thấp trũng, mỗi năm
về mùa lụt, cha phải ôm đồ đạc lên nhà
thờ ngủ một vài lần vì nhà phòng bị nước
ngập. Ngày 20/09/2002, có một trận lũ lịch sử, nước tràn vào nhanh khiến giáo
dân không ai kịp chuẩn bị gì. Nhà phòng bị ngập nặng, ông Sỹ và ông Lễ phải
cõng cha lên nhà thờ. Được 3 tiếng đồng hồ, nhà thờ lại bị ngập, hai ông phải
bồng cha lên bàn thờ để ngồi; nước chỉ cách bàn thờ 20cm. Sau trận lũ, cha bị
ốm nặng. Giáo họ lo lắng chạy lên bệnh viện mời bác sĩ về chữa cho cha nhưng
tình hình không khả quan. Khi bác sĩ báo tin bệnh cha không thể chữa được, giáo
họ đã mời cha Tùng ra lo các việc phần hồn cho Cha. Dù bệnh nặng và đau dữ dội
nhưng Cha không bao giờ rên rỉ một lời nào.
8h sáng ngày 24/10/2002, Chúa gọi
Cha về. Ngài ở lại nhà thờ giáo họ một đêm rồi sáng ngày 26 mới an táng tại
khuôn viên giáo xứ. Nghe tin Cha mất, toàn Giáo họ bao trùm một không khí tang
thương, đau buồn. Đây là một mất mát lớn đối với biết bao thế hệ người Kẻ E.
Đến hôm nay, năm 2018, tròn 16 năm Cha đi xa nhưng hình ảnh, cử chỉ, tiếng nói
cười của Cha vẫn mãi in đậm sâu nơi trái tim mỗi người con Kẻ E.